I. GIỚI THIỆU CHƯƠNG TRÌNH

1. Giới thiệu chung

- Tên ngành đào tạo: Ngôn ngữ Trung

- Tên chương trình đào tạo: Tiếng Trung Thương mại

- Chuyên ngành đào tạo: Tiếng Trung thương mại (Business Chinese)

- Trình độ đào tạo: Đại học

- Thời gian đào tạo: 4 năm

- Hình thức đào tạo: Chính quy tập trung

2. Mục tiêu của chương trình

Đào tạo Cử nhân tiếng Trung thương mại có năng lực ngoại ngữ tối thiểu đạt chứng chỉ HSK cấp 5 của Trung Quốc và đạt yêu cầu trong bài thi do Khoa tiếng Trung Quốc xây dựng theo định dạng đề thi BCT, có kiến thức cơ bản trong lĩnh vực kinh tế thương mại; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có kỹ năng thực hành tiếng tốt; sở hữu các kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, làm việc nhóm; có khả năng tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế nói chung và cộng đồng nói tiếng Trung Quốc nói riêng.

II. CHUẨN ĐẦU RA

2.1. Chuẩn về kiến thức (TTTM)

Chuẩn về kiến thức bao gồm chuẩn đầu ra cho các khối kiến thức như sau:

2.1.1. Khối kiến thức đại cương chung cho chương trình cử nhân đại học nhằm cung cấp kiến thức nền tảng chung ở bậc cử nhân, trang bị kiến thức phương pháp luận, nhân sinh quan, thế giới quan để học tập, nghiên cứu và làm việc trọn đời.

2.1.2. Khối kiến thức chung cho sinh viên Đại học Ngoại thương nhằm phát triển kỹ năng và cung cấp kiến thức trong quản lý kinh tế, giao dịch thương mại quốc tế làm nền tảng cho sinh viên trong quá trình tiếp nhận kiến thức chuyên môn. 

2.1.3. Khối kiến thức ngôn ngữ tiếng Trung Quốc (cơ bản) được phân bổ theo các mức độ sơ - trung cấp, với nhiệm vụ giúp sinh viên thực hành cơ bản về ngữ âm, chữ Hán, từ vựng và ngữ pháp, sau đó mở rộng thực hành giao tiếp, tạo cơ sở tiền đề cho các học phần tiếp theo.

2.1.4. Khối kiến thức tiếng (tổng hợp và kỹ năng ngôn ngữ chuyên biệt), vừa chú trọng thực hành ngôn ngữ tiếng Trung tổng hợp, vừa chú trọng rèn luyện và phát triển các kỹ năng thực hành tiếng độc lập và cung cấp thêm cho sinh viên kiến thức văn hóa xã hội, giúp sinh viên vừa học tiếng Hán vừa hiểu được về văn hóa Trung Quốc trong giao tiếp. Khối kiến thức tiếng (tổng hợp và kỹ năng) giúp sinh viên trong kỳ thi lấy chứng chỉ HSK cấp 4.

2.1.5. Khối kiến thức ngôn ngữ (cơ sở ngành ngôn ngữ), giúp sinh viên hệ thống những kiến thức đã học trong các học phần thực hành tiếng, cung cấp cho sinh viên các kiến thức lý luận về ngữ âm - văn tự, từ vựng và ngữ pháp, nâng cao khả năng thực hành ngôn ngữ cũng như khả năng nghiên cứu các vấn đề liên quan. Khối kiến thức ngôn ngữ sẽ bổ trợ cho sinh viên trong kỳ thi lấy chứng chỉ HSK cấp 5.

2.1.6. Khối kiến thức văn hóa - văn học, cung cấp cho sinh viên các kiến thức về đất nước, con người, phong tục tập quán, văn hóa và nghi thức kinh doanh với người bản xứ để sinh viên có kiến thức nền phục vụ giao tiếp nói chung và giao tiếp thương mại nói riêng với người Trung Quốc. Khối kiến thức văn hóa - văn học sẽ giúp sinh viên nâng cao khả năng thực hành ngôn ngữ cũng như khả năng nghiên cứu các vấn đề liên quan, phát triển kỹ năng nghề nghiệp và bổ trợ sinh viên trong kỳ thi lấy chứng chỉ HSK cấp 5.

2.1.7. Khối kiến thức chuyên ngành ngôn ngữ thương mại, đây là khối kiến thức trực tiếp cung cấp kiến thức chuyên môn cho sinh viên, bao gồm các kiến thức ngôn ngữ kinh tế thương mại và các kỹ năng nâng cao (Nghe, Nói, Đọc, Viết, Dịch), giúp sinh viên có thể giải quyết các vấn đề chuyên môn và sử dụng uyển chuyển ngôn ngữ chuyên ngành trong môi trường quốc tế. Ngoài việc nâng cao khả năng thực hành tiếng Trung Quốc cũng như kĩ năng thực hành nghề nghiệp, khối kiến thức chuyên ngành tiếng Trung thương mại có chú trọng bổ sung thêm cho sinh viên một số kiến thức liên ngành khác để hỗ trợ sinh viên thực hiện học phần Khóa luận tốt nghiệp và có thể hoàn thành bài kiểm tra cuối cùng do trường Đại học Ngoại thương cấp chứng chỉ trước khi tốt nghiệp. Đề thi do Khoa tiếng Trung Quốc xây dựng theo định dạng đề thi BCT.

2.1.8. Có trình độ lý luận chính trị theo chương trình quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2.1.9. Có chứng chỉ Giáo dục thể chất theo chương trình quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2.1.10 Có chứng chỉ Giáo dục quốc phòng – An ninh theo chương trình quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. 2. Chuẩn về kỹ năng

2.2.1. Kỹ năng nghề nghiệp

2.2.1.1 Kỹ năng diễn đạt trôi chảy, tức thì, không gặp khó khăn trong việc tìm từ ngữ diễn đạt. Sử dụng ngôn ngữ linh hoạt và hiệu quả phục vụ các mục đích kinh tế xã hội và chuyên môn khác.

2.2.1.2 Kỹ năng thuyết trình, nói trước đám đông, sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ có khả năng thuyết trình mạch lạc, tự tin khi nói trước đông người với giọng chuẩn, âm vực rõ ràng, ngữ điệu lên xuống, ngắt nghỉ phù hợp.

2.2.1.3 Kỹ năng ghi nhớ tốt, sinh viên sau khi tốt nghiệp có khả năng lưu giữ thông tin của đoạn văn phát biểu, và có thể dịch xuôi hoặc dịch ngược đoạn văn đó theo yêu cầu.

2.2.1.4 Có thể viết rõ ràng, chặt chẽ, chi tiết các chủ đề về kinh tế xã hội từ đơn giản đến phức tạp, thể hiện được khả năng tổ chức văn bản, sử dụng tốt từ ngữ nối câu và các công cụ liên kết.

2.2.1.5 Khả năng lập luận tư duy phản biện, giải quyết vấn đề trong công tác biên - phiên dịch, đàm phán thương mại, giảng dạy tiếng Trung, viết báo cáo hoặc những công việc cần yêu cầu cao về tiếng Trung.

2.2.1.6 Khả năng tư duy logic, có hệ thống khi tiếp cận và xử lý các vấn đề thuộc lĩnh vực biên phiên dịch nói riêng và các vấn đề kinh tế - văn hóa - xã hội nói chung.

2.2.1.7 Có năng lực xã hội hóa, có khả năng thích nghi xã hội và môi trường công tác: thể hiện ở sự hiểu biết xã hội, thích ứng nhanh với sự thay đổi của kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế ; thể hiện ở việc có phương pháp thu thập và xử lí thông tin thường xuyên về nhu cầu và đặc điểm của đối tượng, về tình hình chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương và quốc tế, đồng thời sử dụng các thông tin thu được phục vụ giải quyết công việc.

2.2.2. Kỹ năng nghiên cứu và khám phá kiến thức:

2.2.2.1 Kỹ năng tự học, tự nghiên cứu, khám phá kiến thức và nâng cao năng lực bản thân (sinh viên sẽ có khả năng tự tìm hiểu, học hỏi và nghiên cứu; kỹ năng thu thập, phân tích và xử lý thông tin.

2.2.2.2 Có khả năng phát hiện và hệ thống hóa những hiện tượng tương đồng, khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa Trung Quốc với ngôn ngữ, văn hoá Việt Nam, nhằm nâng cao hiệu quả công tác dịch thuật và thương mại.

2.2.2.3 Có khả năng nghiên cứu, đề xuất những biện pháp, thủ thuật hiệu quả trong công tác biên phiên dịch và đàm phám thương mại.

2.2.3. Kỹ năng mềm

2.2.3.1 Kỹ năng giao tiếp ứng xử và tạo lập mối quan hệ (có khả năng tiến hành các cuộc giao tiếp trực tiếp hoặc qua văn bản, qua các phương tiện truyền thông với đồng nghiệp, khách hàng, với cá nhân hoặc các tổ chức).

2.2.3.2 Kỹ năng giao tiếp sử dụng tiếng Trung Quốc, đặc biệt là sử dụng tiếng Trung trong lĩnh vực chuyên môn dịch thuật, tài chính ngân hàng, thương mại xuất nhập khẩu để làm việc trong môi trường quốc tế.

2.2.3.3 Kỹ năng làm việc nhóm (hình thành nhóm, tham gia, gắn kết và phát triển nhóm, phối hợp nhịp nhàng với các thành viên khác trong nhóm nhằm đặt hiệu quả cao cho công việc).

2.2.3.4 Kỹ năng tổ chức công việc (có khả năng sắp xếp, quản lý thời gian và công việc một cách hợp lý, khoa học).

2.2.3.5 Kỹ năng giải quyết vấn đề (chủ động đối mặt và ứng phó với các tình huống phát sinh, đưa ra giải pháp để giải quyết các phát sinh đó, ví dụ: kỹ năng ứng phó và giải quyết một số tình huống bất ngờ trong phiên dịch, đàm phán thương mại).

2.2.3.6 Kỹ năng quản lý và lãnh đạo (điều khiển, phân công và đánh giá hoạt động nhóm và tập thể, phát triển và duy trì quan hệ với các đối tác, khả năng đàm phán, thuyết phục và quyết định trên nền tảng có trách nhiệm với xã hội và tuân theo pháp luật).

2.3. Phẩm chất đạo đức, chính trị

2. 3.1. Phẩm chất chính trị cá nhân

2.3.1.1 Lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam, nền tảng tư tưởng cho mọi hoạt động trong thực tiễn, tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; chấp hành tốt chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; có lối sống lành mạnh, có ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức vì tập thể, vì lợi ích chung; tham gia tích cực các hoạt động đoàn thể và xã hội; tuân thủ các tiêu chuẩn và nguyên tắc đạo đức.

2.3.1.2 Thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ của một công dân.

2.3.2. Phẩm chất đạo đức nghề nghiệp

Có tính trung thực, đặc biệt trong việc chuyển tải thông tin; có tinh thần trách nhiệm trong công việc; đảm bảo bí mật thông tin của khách hàng trong nhiệm vụ biên, phiên dịch, trợ lý, thư ký...

2.3.3. Phẩm chất đạo đức xã hội

Có trách nhiệm với xã hội, tuân thủ pháp luật, có ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường, ủng hộ và bảo vệ cái đúng, sáng tạo và đổi mới.

2.4. Trình độ tin học

Có kiến thức tin học căn bản, có thể sử dụng máy tính với hệ điều hành Windows tiếng Anh và tiếng Trung để phục vụ việc học tập, nghiên cứu khoa học và công tác chuyên môn trong các lĩnh vực liên quan.

2.5. Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp

Sinh viên tốt nghiệp có thể phụ trách công việc liên quan tới tiếng Trung (phiên dịch, biên dịch, giảng dạy) hoặc công việc về nghiệp vụ xuất nhập khẩu tại các cơ quan Nhà nước, các Bộ, Ngành, các cơ quan nghiên cứu, đào tạo về lĩnh vực xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp, các văn phòng đại diện, các công ty trong nước hoặc các doanh nghiệp nước ngoài có sử dụng tiếng Trung Quốc tại Việt Nam, và có thể tiếp tục học lên bậc thạc sỹ và tiến sỹ ở trong nước hoặc nước ngoài để trở thành chuyên gia bậc cao trong lĩnh vực liên quan.

   Với định hướng của chương trình đào tạo, cùng với năng lực và nguyện vọng, sinh viên tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Tiếng Trung thương mại có thể làm việc tại các tổ chức khác nhau với tư cách là:

2.5.1. Phiên dịch, biên dịch tiếng Trung – Việt hoặc Việt – Trung trong các lĩnh vực liên quan tại các cơ quan, các tổ chức và các đơn vị.

2.5.2. Giảng viên giảng dạy tiếng Trung cơ sở, tiếng Trung thương mại tại các trường học, các đơn vị có nhu cầu.

2.5.3. Chuyên viên phòng xuất nhập khẩu tại các Bộ, Ban, Ngành, UBND các cấp, các doanh nghiệp, các văn phòng đại diện, các công ty trong nước hoặc các doanh nghiệp của Trung Quốc, Đài Loan, Singapore tại Việt Nam.

2.5.4. Chuyên viên nghiên cứu trong lĩnh vực xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Trung Quốc, Đài Loan, Singapore v.v. tại các cơ quan, trung tâm nghiên cứu hoặc tại các doanh nghiệp.

 

JSN Nuru template designed by JoomlaShine.com